Sự thật về mật thất bí ẩn, cấm ai bước vào của Võ Tắc Thiên
Nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên thường xuyên lui tới gian mật thất bí ẩn. Sau khi bà mất, sự thật bên trong mới được làm sáng tỏ.
Võ Tắc Thiên (624 – 705) là nữ hoàng đế đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Vào thời kỳ phong kiến, xã hội trọng nam nhân, một nữ nhân như Võ Tắc Thiên có thể lãnh đạo cả một vương triều lớn thịnh vượng, thiên hạ thái bình, thì quả thực là điều cực kỳ hiếm. Chính vì vậy, cuộc đời của nữ hoàng đế này luôn là chủ đề khiến hậu thế tò mò.
Ban đầu, Võ Tắc Thiên từng là một phi tần ở trong hậu cung của Đường Thái Tông Lý Thế Dân.
Sau khi trải qua bao nhiêu sóng gió, bà trở thành hoàng hậu của Đường Cao Tông Lý Trị và cuối cùng lên ngôi hoàng đế khi sáng lập nên triều đại Võ Chu, cai trị dưới danh hiệu Thánh thần Hoàng đế.
Từ một nữ nhân trong hậu cung, Võ Tắc Thiên từng bước thâu tóm quyền lực chính trị trong tay.
Trước khi nắm trong tay quyền lực tối thượng, Võ Tắc Thiên được cho là đã dùng nhiều phương pháp tàn ác, thẳng tay trừng trị những đối thủ ngáng đường.
Khi là hoàng hậu của Đường Cao Tông Lý Trị, Võ Tắc Thiên từng bước tiến hành thâu tóm quyền lực. Sau khi Đường Cao Tông băng hà, bà lần lượt đưa hai người con trai của mình lên làm hoàng đế. Thế nhưng hai con trai của bà lại không có thực quyền của hoàng đế khi mọi việc triều chính đều do bà quyết định.
Hai người con này đã có những hành động phản kháng nên Võ Tắc Thiên nổi giận và đã lần lượt phế truất.
Sau đó, Võ Tắc Thiên đã tự mình thiết triều với cương vị Thái hậu. Đến năm 690, bà chính thức lên ngôi hoàng đế khi lập ra triều đại Võ Chu, trở thành nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc.
Từ khi nắm quyền lực tối thượng trong tay, không có điều gì có thể khiến nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên phải sợ hãi.
Dù gây nhiều tranh cãi, nhưng trong 15 năm trị vì đất nước, hoàng đế Võ Tắc Thiên đã tạo được nhiều thành tựu đáng ghi nhận khi không những phát triển kinh tế - xã hội mà còn giữ vững sự ổn định trong nước.
Mật thất bí ẩn của Võ Tắc Thiên giấu thứ gì?
Tương truyền, trong thời gian làm hoàng đế, Võ Tắc Thiên có một mật thất bí ẩn. Nữ hoàng đế thường lui tới mật thất và không cho phép ai được vào trong, dù là người hầu thân cận. Vì vậy, nhiều người tò mò không biết Võ Tắc Thiên đã cất giấu bí mật gì trong mật thất này.
Võ Tắc Thiên là người đứng trên đỉnh cao quyền lực lúc bấy giờ, hơn nữa việc bảo vệ cho sự an toàn của hoàng đế cũng được hết sức chú trọng. Vì vậy, việc Võ Tắc Thiên cho người xây dựng riêng một mật thất là điều kỳ lạ.
Tuy nhiên, chỉ sau khi nữ hoàng đế này qua đời, bí mật bên trong căn phòng này mới được giải mã.
Khi mở cửa mật thất, hóa ra bên trong căn phòng chỉ có một bức tượng Phật và hai bức tranh chân dung của hai vị hoàng đế là Lý Thế Dân và Lý Trị.
Dù là một nữ hoàng đế đứng trên đỉnh cao của quyền lực nhưng Võ Tắc Thiên cũng không tránh khỏi có những phút yếu lòng.
Võ Tắc Thiên luôn coi căn phòng bí mật này là nơi để tâm hồn thư thái, có thể dốc bầu tâm sự. Đây là nơi mà bà có thể khóc và chia sẻ những điều không thể nói ra bên ngoài.
Với tư cách là một hoàng đế, Võ Tắc Thiên luôn phải thể hiện sự mạnh mẽ và dũng cảm để có thể kiểm soát toàn bộ đất nước. Chính vì lẽ đó, chỉ có những giây phút yếu lòng bà mới thể hiện trong căn phòng này.
Suy cho cùng, dù là nữ hoàng đế tài giỏi, quyền lực, nhưng Võ Tắc Thiên cũng không tránh khỏi những phút yếu lòng, cô đơn của một người phụ nữ.
Lý Trị và Lý Thế Dân chính là hai người đàn ông quan trọng nhất trong cuộc đời của Võ Tắc Thiên. Chính vì vậy, sau khi hai người qua đời, bà vẫn ngày đêm tưởng nhớ và thường vào mật thất để tâm sự những điều không thể chia sẻ với người khác.
Nhờ cách này mà nữ hoàng đế có thể trút bỏ phần nào được phiền muộn, nỗi cô đơn khi bên cạnh không còn có người đàn ông đáng để bà dựa vào. Sau khi bước ra khỏi căn phòng bí mật, Võ Tắc Thiên lại trở về với vẻ ngoài uy nghiêm của một nữ hoàng đế.
"Vô tự bia" của nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên đến nay vẫn còn là một bí ẩn.
Sau khi qua đời vào tháng 12/705, nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên được chôn cất ở Càn Lăng cùng với hoàng đế Đường Cao Tông. Cho đến nay, Càn Lăng vẫn là một trong những công trình lăng mộ bí ẩn chưa thể giải mã hết.
Một trong số đó thể kể đến là "Vô tự bia" (bia không chữ). Theo đó, tấm bia này là một khối đá lớn được điêu khắc tinh xảo. Tuy nhiên, trên tấm bia khổng lồ lại không hề có chữ nào dù đã được vạch ô sẵn để viết văn bia.
Có quan điểm cho rằng, dù là một người phụ nữ xuất chúng nhưng công và tội khó có thể luận rõ, vì vậy nữ hoàng đế muốn hậu thế tự bình xét cuộc đời của bà. Do đó, tấm bia này mới không đề chữ.
Theo Pháp luật & Bạn đọc
Đăng nhận xét