Lý giải hành vi liên tục tra tấn bé 3 tuổi của gã nhân tình
Sau khi các cặp vợ chồng ly hôn và sống với người mới, những đứa con riêng dễ trở thành nạn nhân của bạo hành.
Công an TP. Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng Nguyễn Trung Huyên (SN 1992, là thợ mộc, trú tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội), nghi phạm chính trong vụ án bé Đ.N.A. (3 tuổi) bị bạo hành dẫn đến nguy kịch.
Điều khiến dư luận bàng hoàng bởi từ lời khai của đối tượng, hắn nhiều lần định sát hại cháu bé, khiến cháu phải 4 lần nhập viện do ngộ độc thuốc diệt cỏ, gãy tay, nuốt dị vật là đinh và đỉnh điểm bị găm 9 chiếc đinh vào đầu. Nhiều lần cháu qua khỏi là do được cấp cứu kịp thời.
Bị can Huyên tại cơ quan công an
Lý giải về việc đối tượng "hết lần này đến lần khác" ra tay với cháu bé, chuyên viên nghiên cứu tâm lý tội phạm từ Công ty luật Multi Law - Lê Bảo Ngọc cho biết, nhiều nghiên cứu và thực tiễn đã phát hiện ra rằng, sau khi các cặp vợ chồng ly hôn và sống với người mới, những đứa con riêng dễ trở thành nạn nhân của bạo hành.
Tâm lý học tiến hóa giải thích hiện tượng này do "lý thuyết đầu tư của cha mẹ". Trong tự nhiên, việc cha mẹ kế ngược đãi con riêng thực sự là một hiện tượng khá phổ biến.
Ví dụ, khi một con sư tử đực đầu đàn bị đánh bại và thay thế, con đực đầu đàn mới sẽ giết hết bầy sư tử con để cùng các sư tử cái sinh ra những con non khác mang nguồn gene của nó.
Các nhóm linh trưởng như đười ươi, khỉ voọc đực cũng làm điều tương tự. Với loài chim jaçanas, con trống sẽ xây tổ để con mái đẻ trứng ở đó. Khi một con chim mái khác đến để cặp với chim trống, nó sẽ đập vỡ bất kỳ quả trứng nào mà con mái trước đó đã đẻ...
Do việc nuôi dạy con cái tốn nhiều thời gian và công sức nên bản năng chọn lọc tự nhiên thúc đẩy các sinh vật đầu tư vào những đứa trẻ có cùng huyết thống.
Những con non không mang nguồn gene của mình là gánh nặng và sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh nguồn thức ăn với con của chúng. Do vậy, nhiều loài sinh vật có xu hướng tấn công nhằm loại bỏ những con non khác cùng đàn để tập trung đầu tư tất cả nguồn lực cho sự phát triển của con ruột chúng.
Bản năng đáng sợ này không chỉ xảy ra ở các loài động vật, mà xã hội loài người cũng vẫn còn, chỉ là cách tiếp cận của con người ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn.
Hiện cháu bé đang được điều trị tích cực tại bệnh viện Xanh-Pôn
Có thể thấy, trong xã hội có nhiều cha mẹ kế tốt bụng đối xử tử tế với trẻ em, đồng thời có những vụ án cha mẹ kế hành hạ, ngược đãi con trẻ.
Điểm khác biệt giữa họ chính là khả năng nhận thức và lựa chọn cách sống. Sống bằng đạo đức và tình cảm của phần "người", hay để bản năng của phần "con" lấn át rồi trở thành những con thú tàn bạo mất tính người.
Nguyên nhân sâu xa nhất của việc hành hạ con riêng là cái ác thuần túy trong bản năng động vật. Do đó, những kẻ bạo hành trẻ em cần bị trừng trị nghiêm minh trước pháp luật để làm gương, bởi không gì có thể bao biện được cho hành vi dã man đối với những đứa trẻ vô tội không có khả năng tự vệ.
Đối với dã tâm của những cha mẹ kế độc ác, nếu không có sự can thiệp và giám sát kịp thời thì những đứa con riêng sẽ liên tục bị ngược đãi, hành hạ. Như trong trường hợp bé 3 tuổi bị đóng đinh vào đầu, bé đã bị hành hạ rất nhiều lần, nhưng những gì mẹ của bé làm chỉ là đưa con đi bệnh viện.
Sau khi ra viện, em bé lại tiếp tục bị ngược đãi với mức độ ngày càng nặng hơn. Khó có thể nói, mẹ bé không biết rằng con mình bị hành hạ và rất có thể chính sự hời hợt vô cảm, bao che cho nhân tình của người mẹ đã góp phần đẩy cháu bé vào bi kịch.
Hành vi xâm hại gia đình thường bí mật và dai dẳng, thủ phạm giỏi che giấu với cái mác "chuyện riêng của gia đình" nên thường khó phát hiện. Trong khi đó, những đứa trẻ yếu đuối bất lực trong việc thể hiện bản thân và tự bảo vệ mình.
Vì vậy, tất cả mọi người cần quan tâm hơn đến những gì xảy ra với trẻ em xung quanh. Nếu phát hiện có dấu hiệu lạm dụng trẻ em thì hãy nhanh chóng can thiệp hoặc báo ngay cho cơ quan chức năng. Điều này sẽ góp phần hạn chế sự hoành hành của cái ác.
Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị
Đăng nhận xét