3 lưu ý quan trọng khi ăn thịt đông ngày Tết để đảm bảo sức khỏe
Thịt đông được chế biến từ nguyên liệu nhiều đạm. Bạn nên lưu ý để vừa thưởng thức vị ngon của món ăn vừa bảo vệ sức khỏe.
Thịt đông là món ăn quen thuộc được mọi người ăn vào mỗi dịp Tết. Tuy ngon miệng nhưng thịt đông lại là món ăn có chứa những thành phần giàu các chất cholesterol xấu, khiến người ăn dễ tăng cân.
Vậy thịt đông phải ăn như thế nào để đảm bảo cho sức khỏe của bản thân và gia đình, hãy cùng xem những lưu ý dưới đây.
Ăn cùng dưa hành, rau củ
Thịt đông và dưa hành chính là "cạ cứng", luôn được mọi người nhắc đến cùng nhau. Thịt đông là món ăn béo ngậy nên dễ ngán. Chính vì thế, bạn nên ăn thịt đông cùng dưa hành để làm giảm độ ngán. Không chỉ vậy, ăn dưa hành cùng thịt đông còn giúp cơ thể tiêu hóa thịt dễ dàng hơn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể ăn thịt đông kèm các loại rau xanh để tăng cường vitamin cho cơ thể, cũng như hạn chế việc nạp quá nhiều chất đạm vào cơ thể.
Không ăn thịt đông với cơm
Thói quen của rất nhiều người là ăn thịt đông cùng với cơm. Tuy nhiên, đây là sai lầm lớn bởi sẽ khiến bạn không kiểm soát được lượng thức ăn đưa vào cơ thể, khiến bạn tăng cân béo phì.
Tránh ăn thịt đông cùng với cơm
Kết hợp cùng hoa quả
Nếu ăn quá nhiều thịt đông, bạn cần ăn thêm một số loại trái cây sau bữa cơm. Đây là phương pháp làm hạn chế được lượng chất béo nạp vào cơ thể.
Một số loại hoa quả như đu đủ, mận, táo đều chứa nhiều chất xơ, vitamin C và axit tự nhiên giúp quá trình chuyển hóa chất béo và protein trong thức ăn được thúc đẩy nhanh chóng.
Bên cạnh đó, khi dùng thịt đông bạn cũng nên bảo quản cẩn thận trong ngăn mát tủ lạnh, nên chia chúng thành từng phần nhỏ để tránh bị ôi thiu, gây ngộ độc thực phẩm.
Cách nấu thịt đông chuẩn vị Tết
Nguyên liệu:
1kg thịt chân giò
500g tai heo
100g nấm hương
100g mộc nhĩ
1 củ hành khô
1/2 củ gừng
1 củ cà rốt
50g tiêu hạt rang khô
Gia vị: Nước mắm, đường, hạt nêm, muối, dầu ăn
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Bóc vỏ củ hành tím, đập dập. Cạo vỏ gừng, rửa sạch, đập dập.
- Cạo sạch lông chân giò, chà xát muối, rửa sạch, lọc lấy xương, cắt bỏ bớt phần mỡ (nếu có).
- Cạo sạch lông tai heo, chà xát muối, rửa sạch.
- Ngâm nấm hương, mộc nhĩ cho nở mềm rồi cắt bỏ phần gốc, rửa sạch, cắt sợi chỉ.
- Rang tiêu hạt, đập dập sơ qua là đã có thể tiến hành thực hiện cách nấu thịt đông với mộc nhĩ.
Bước 2: Chần thịt
- Bắc nồi nước lên bếp, thêm ít muối, 1 củ hành khô đập dập, 1 ít lát gừng lên bếp. Cho thịt chân giò, tai heo vào chần sơ qua, vớt ra cho vào âu nước lạnh rồi vớt ra rổ để cho ráo nước.
- Cắt thịt chân giò thành miếng nhỏ dày khoảng 1cm, cắt tai heo thành sợi mỏng dài.
- Để thịt đông có hương vị thơm ngon, bạn cho thêm 1 muỗng nước mắm vào âu thịt, trộn đều và để trong vòng khoảng 30 phút.
Bước 3: Xào mộc nhĩ, nấm hương
- Bắc chảo khác lên bếp, cho thêm 1 muỗng dầu ăn đun sôi. Khi dầu nóng, cho mộc nhĩ, nấm hương vào xào, nêm 1 muỗng hạt nêm để đảm bảo món ăn đạt hương vị đậm đà cuốn hút.
- Trút phần mộc nhĩ, nấm hương xào ra bát. Sử dụng lại chảo trên, cho thịt chân giò và tai heo vào xào cho săn lại, tương tự nêm 1 muỗng cà phê hạt nêm, trộn đều.
Bước 4: Nấu thịt đông
- Cho thịt chân giò, tai heo sau khi xào vào nồi, đổ nước ngập rồi bắc lên bếp nấu (lưu ý, không nên đậy nắp vung).
- Thịt sôi, tiến hành dùng muỗng vớt lớp bọt nổi trên bề mặt nước, đậy kín nắp vung.
- Tiếp tục nấu thêm khoảng 15-20 phút nữa cho thịt chín mềm, mở nắp vung. Lúc này, cho mộc nhĩ, nấm hương xào và ít tiêu rang đập dập vào, nấu thêm khoảng 10 phút nữa, tắt bếp.
Bước 5: Tạo hình thịt đông
- Bào vỏ củ cà rốt, rửa sạch, tỉa hoa rồi cắt thành lát mỏng. Cho cà rốt tỉa hoa vào đáy bát, múc thịt cho vào tô rồi để trong ngăn mát tủ lạnh 4-6 tiếng để thịt đông.
- Khi sử dụng, bạn chỉ cần úp bát thịt ra đĩa, trang trí thêm lên trên ít rau ngò cho bắt mắt là hoàn thành cách nấu đông thịt chân giò.
Mase (Tổng hợp)
Theo VietNamnet
Đăng nhận xét