Ngày 11/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ, QH đã tiến hành phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn xung quanh vấn đề nóng như dạy thêm, đặc biệt dạy thêm trực tuyến.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Huy Thái (tỉnh Bạc Liêu) bày tỏ sự quan tâm đối với vấn đề dạy, học thêm trong bối cảnh học sinh chịu nhiều áp lực khi học trực tuyến.
Trả lời câu hỏi của ĐB Thái về việc Bộ GD-ĐT sẽ giải quyết ra sao đối với tình trạng dạy, học thêm trực tuyến gần đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định bình thường việc dạy thêm đã cần phải ngăn chặn. Khi học trực tuyến, học sinh căng thẳng hơn nên việc dạy thêm cần phải nghiêm cấm. "Trong Thông tư 09 của Bộ GD-ĐT đã quy định rõ số giờ được dạy cho các cấp học. Căn cứ vào đó, sở GD-ĐT các địa phương cần thanh, kiểm tra việc học trực tuyến có hiện tượng dạy quá số giờ hay không? Chúng tôi sẽ tích cực ngăn chặn việc này" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ.
ĐB Nguyễn Công Long (tỉnh Đồng Nai) bày tỏ sự đồng tình với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về việc phải cấm dạy thêm trực tuyến. Tuy nhiên, ĐB này không đồng tình với cách quản lý theo tư duy "không quản được thì cấm" bởi nếu chỉ cấm thì chưa giải quyết được căn nguyên của vấn đề. "Chúng tôi trưởng thành, đỗ đạt, đi làm nhờ học thêm, nên học thêm là có tác dụng. Tại sao ngành y được làm thêm mà giáo dục không được dạy thêm?" - ĐB này đặt vấn đề.
Theo ông Long, do thu nhập của giáo viên quá thấp, rất nhiều người coi dạy thêm là để mưu sinh; vì vậy, phải nhìn thẳng vấn đề này để có giải pháp căn cơ. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng nếu dạy thêm ngoài giờ, ngoài nhà trường mà đáp ứng các nhu cầu bổ sung kiến thức cho học sinh thì không thể cấm. Còn bớt nội dung dạy chính thức để dạy thêm ngoài giờ mới là điều đáng lưu ý.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bỏ dạy thêm ra khỏi ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GD-ĐT đang đề nghị bổ sung việc dạy thêm vào danh mục này.
ĐB Nguyễn Lâm Thành (tỉnh Thái Nguyên) cho rằng có 4 vấn đề cần quan tâm liên quan đến việc dạy thêm. Thứ nhất, cần giảm tải chương trình, SGK do ở nhiều môn học, học sinh phải tiếp nhận khối lượng chương trình quá lớn. Thứ hai, đổi mới phương pháp dạy học, từ dồn ép kiến thức sang dạy tư duy. Thứ ba, đề nghị cần đổi mới, cải tiến phương pháp thi cử mạnh mẽ hơn nữa thay vì thi theo mẫu. Thứ tư, nếu còn hệ thống trường chuyên thì còn dạy thêm, học thêm.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận việc trang bị, nhồi nhét kiến thức chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến dạy thêm, học thêm nên cần thay đổi phương pháp. Trong thời gian tới, bộ cũng tính đến phương án điều chỉnh thi THPT, đổi mới kiểm tra đánh giá thường xuyên, để từ góc độ kiểm tra, đánh giá hạn chế được việc dạy, học thêm.
Đăng nhận xét