Theo hãng thông tấn Reuters, Tòa phúc thẩm Khu vực số 5 ở Mỹ, có trụ sở tại bang New Orleans, cho biết vì nguyên đơn "đưa ra lý do để tin rằng có những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến luật và hiến pháp đối với sắc lệnh tiêm vắc xin bắt buộc của chính quyền Tổng thống Biden, cho nên, quy định này sẽ bị tạm hoãn trong lúc chờ động thái tiếp theo của tòa án".
Các bên nguyên đơn bao gồm 5 tiểu bang Texas, Louisiana, Nam Carolina, Utah và Mississippi, cũng như một số công ty tư nhân và các nhóm tôn giáo. Tòa phúc thẩm Khu vực số 5 đã yêu cầu chính phủ phản hồi trước 17h ngày 8/11 (giờ địa phương), thời điểm các nguyên đơn có quyền gửi yêu cầu cấm vĩnh viễn đối với lệnh tiêm bắt buộc của chính quyền Tổng thống Biden.
Chính phủ Mỹ hiện chưa phản hồi trước phán quyết từ tòa án.
Nếu được duy trì, phán quyết trên sẽ đánh dấu một bước lùi lớn đối với một trong những nỗ lực của Tổng thống Biden nhằm đảm bảo việc tiêm chủng rộng rãi cho người lao động Mỹ trước mùa đông, thời điểm Covid-19 được dự báo sẽ bùng phát mạnh mẽ trở lại.
Trước đó, Tổng thống Biden hôm 4/11 đã công bố sắc lệnh yêu cầu tất cả công ty trong nước có từ 100 lao động trở lên phải thực hiện tiêm vắc xin Covid-19 bắt buộc đối với nhân viên của mình. Sắc lệnh mới này, dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ ngày 4/1 năm sau, được cho là sẽ ảnh hưởng đến khoảng 84 triệu người lao động tại các công ty lớn và vừa ở Mỹ.
Tờ New York Times bình luận lệnh bắt buộc của ông Biden đã lập tức gây chia rẽ chính trị sâu sắc xung quanh việc tiêm phòng và quyền lực chính phủ.
Theo Hãng tin AP, lệnh này sẽ ảnh hưởng tới khoảng 80 triệu người lao động Mỹ, chưa kể số nhân viên y tế, nhánh hành pháp, và các nhân viên làm việc cho chính phủ liên bang.
Các lãnh đạo Đảng Cộng hòa đã phản đối quyết định của ông Biden bằng nhiều mức độ khác nhau, từ kiện tụng cho tới bất tuân dân sự.
Mấu chốt của những tranh cãi này là xung đột giữa một bên là sức khỏe cộng đồng, một bên là sự tự do lựa chọn của con người.
Tiêm vắc xin có thể là cách tốt nhất để cứu mạng người, ngăn đại dịch trong mắt nhà cầm quyền, nhưng nếu một cá nhân không muốn tiêm thì sao?
Thống đốc bang South Carolina, ông Henry McMaster, cho biết sẽ chiến đấu tới cùng để bảo vệ tự do và sinh kế của mọi người dân.
Thống đốc bang South Dakota, bà Kristi Noem, cho hay bà đang chuẩn bị khởi kiện. Bà Noem được xem là ứng cử viên tiềm năng cho cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024.
Đăng nhận xét