Khi còn học trung học, các bạn cùng lứa và tôi rất mê thích Đường thi. Hầu hết những bài thơ nổi tiếng của các tác giả như Đỗ Phủ, Lý Bạch, Vương Duy, Lý Thương Ẩn, Mạnh Hạo Nhiên, Hàn Dũ, Bạch Cư Dị, và các tác giả khác chúng tôi đều thuộc lòng. Những lúc trà dư, tửu hậu, chúng tôi hay mang ra đọc cho nhau nghe và lấy làm hứng thú, mặc dù có những bài thơ chúng tôi hoàn toàn không hiểu hết điển tích hoặc ý, từ vì vốn liếng Hán văn thuở đó quá hạn hẹp.
Đôi khi tìm hiểu được và khám phá ra những nguyên nhân, tâm trạng hoặc trong hoàn cảnh nào tác giả sáng tác bài thơ đó, chúng tôi vội vàng chia sẻ cho nhau. Thí dụ như khi Lý Bạch ghé chơi Hoàng Hạc Lâu, trước cảnh đẹp định đề thơ nhưng đành thôi vì Thôi Hiệu đã cảm tác rồi:
Hoàng Hạc Lâu
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư hoàng hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu
Bản dịch của Vũ Hoàng Chương (được nhiều học giả Việt Nam cho là hay hơn cả nguyên tác):
Lầu Hoàng Hạc
Xưa Hạc Vàng bay vút bóng người,
Nay lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi.
Vàng tung cánh hạc đi đi mãi,
Trắng một màu mây vạn vạn đời.
Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu,
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi.
Gần xa, chiều xuống, nào quê quán?
Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi!
Hoặc bài Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang phong ngư hoả đối sầu miên.
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Bản dịch Nửa đêm đậu bến Phong Kiều của Nguyễn Hàm Ninh:
Quạ kêu, trăng lặn, trời sương,
Lửa chài le lói sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
Về bài thơ trên, tương truyền một đêm trăng sáng, vị sư trụ trì chùa Hàn San, nhìn trăng, ngẫu hứng sáng tác hai câu thơ:
Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung,
Bán tự ngân câu bán tự cung.
Thao thức mãi sư cụ không nghĩ được hai câu tiếp; đột nhiên có tiếng gõ cửa. Thì ra là chú tiểu cũng trằn trọc vì hai câu thơ cậu mới nghĩ ra:
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn,
Bán trầm thủy để bán phù không.
Chú tiểu cũng không làm tiếp được, sang xin thầy giúp. Nghe xong, sư ông mừng quá, vì quả thật hai câu thơ của chú tiểu kết hợp với hai câu của mình, thành một bài tứ tuyệt.
Mùng ba, mùng bốn trăng mờ,
Nửa dường móc bạc nửa như cung trời.
Một bình ngọc trắng chia hai,
Nửa chìm đáy nước nửa cài từng không.
Làm xong bài thơ này lúc nửa đêm, quá sảng khoái sư cụ bảo chú tiểu đánh chuông tạ Phật. Tình cờ cũng ngay lúc ấy trên thuyền, thi sĩ Trương Kế cũng đang miên man không ngủ được vì chưa nghĩ ra được câu tiếp cho hai câu “Nguyệt lạc ô đề..”. Chợt chuông chùa Hàn San vọng đến, gợi ý cho thi nhân hoàn tất bài Phong Kiều Dạ Bạc bằng câu kết “Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”. Bài thơ này là tác phẩm nổi tiếng nhất của Trương Kế. Ông sáng tác bài này sau một lần thi trượt khoa tiến sĩ, trên đường về ghé qua Tô Châu, tức cảnh mà sinh tình.
Tuy nhiên, chỉ sau khi rời bỏ quê nhà chúng tôi mới thấy thấm thía khi đọc lại những vần thơ của Lý Bạch như:
Tĩnh Dạ Tứ
Sàng tiền khán nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.
Bản dịch của Tương Như:
Đầu giường ánh trăng rọi,
Ngỡ mặt đất phủ sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.
Hay bài Lô Sơn của Tô Đông Pha, khi đến tuổi tâm tư đã có phần lắng đọng:
Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều
Vị đáo sanh bình hận bất tiêu
Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự
Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều
Bản dịch của Trúc Thiên:
Khói ngút non Lô sóng Chiết giang
Khi chưa đến đó luôn mơ màng
Đến rồi hóa vẫn không gì khác
Khói ngút non Lô sóng Chiết giang.
Tháng Tư, năm 1975 tôi theo gia đình bỏ nước ra đi tỵ nạn cộng sản. Sau vài tháng tạm trú trên đảo Guam, chúng tôi và những người muốn định cư tại tiểu bang California được chuyển về trung tâm huấn luyện Thủy Quân Lục Chiến ở trại Pendleton, Oceanside. Những ngày ở trại chờ tìm được người bảo trợ kéo dài một cách lê thê, buồn chán. Một hôm đứng xếp hàng chờ ăn cơm tối. Tôi nghe tiếng người lao nhao. Một lúc sau mới biết có vài kẻ chen hàng. Một ông đứng gần tôi gằn giọng:
“Mình phải tự trọng, thì người khác mới tự trọng mình chứ. ”
Từ đó chúng tôi gọi ông là ‘ông tự trọng’.
Ông ‘tự trọng’ ở cách lều chúng tôi vài căn. Năng chào nên quen. Sau này, chiều chiều sau khi ăn tối ông hay rủ tôi đi bộ vòng vòng cho tiêu cơm.
Một buổi chiều kia, trong lúc tản bộ chúng tôi đi gần đến trụ sở ban chấp hành trại thì nghe tiếng người cười nói xôn xao lẫn tiếng nhạc dập dềnh. Đến gần mới hay thiên hạ đang tổ chức khiêu vũ. Ông nhìn lướt qua đám đông lố nhố buột miệng thốt ra hai câu thơ cổ:
“Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng hậu đình hoa”
Tôi hỏi ông tác giả hai câu thơ trên là ai, và ý nghĩa là gì? Ông không trả lời chỉ lẩm bẩm trong miệng vừa đủ cho tôi nghe:
“Mất nước không biết nhục, ở đấy mà bầy trò đú đỡn!”
Thời gian qua nhanh, chúng tôi xuất trại và đường đời mỗi người mỗi ngã. Riêng hai câu thơ trên tôi vẫn còn ghi nhớ trong lòng, định bụng một ngày nào đó có dịp sẽ truy cứu xem tựa đề bài thơ là gì, tác giả là ai?
Cơ hội đến với tôi một cách tình cờ. Một người bạn thân tặng tôi cuốn Duy Văn Sử Quan của cụ Hoàng Văn Chí, một người từng theo Việt Minh chống Pháp. Sau này, từ bỏ Việt Minh và di cư vào Nam năm 1954. Tại miền Nam, cụ thất vọng với chế độ Ngô Đình Diệm nên tìm cách bỏ ra hải ngoại. Cụ trải qua một thời gian ở Ấn Độ, và tìm hiểu thêm nhiều ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ và Phật giáo trên văn hóa Việt. Cụ cũng từng sống tại Nhật, Pháp và một thời gian dài tại Hoa Kỳ.
Trong chương IV, Tận Tín Thư, cụ Hoàng Văn Chí đả phá vấn đề tin vào sách vở một cách mù quáng.
Đường Thi có câu:
Thương nữ bất tri vong quốc hận,
Cách giang, do xướng Hậu Đình Hoa
Hỏi Cụ đồ: Thương nữ là gỉ?
Chiếu theo sách, Cụ đồ giảng: Thương là buôn bán. Thương nhân là lái buôn. Thương nữ là con gái đi buôn.
Hỏi thêm: Tại sao con gái đi buôn lại ca hát ở tửu điếm?
Cụ đồ bảo: Tại mấy cô ấy buôn son bán phấn.
Hỏi tiếp: Tại sao mấy cô buôn son bán phấn, tức là “gái mãi dâm” lại có “hận vong quốc”? Các cô ấy mất nước với ai? Từ bao giờ?
Sách không giảng nên Cụ đồ quát: Hỏi gì mà hỏi lắm thế?
Không phải chỉ có Cụ đồ Việt Nam lúng túng, mà tất cả những người Tàu chúng tôi hỏi đều lắc đầu. Lý do là tại chữ thương có hai nghĩa khác nhau.
1) – Người thuộc chủng tộc Ân, thành lập triều đại nhà Thương, ở lưu vực Sông Hoàng từ Thế kỷ 16 trước Tây Lịch.
2) – Nghề buôn. Thương nhân là người đi buôn.
Tại sao một chữ mà có 2 nghĩa khác nhau?
Tại vì sự thể như sau: Theo nguyên nghĩa “Thương nhân” là “Người thuộc chủng tộc Ân”, những người đã lập nên một nước, có triều đại thường gọi là Nhà Thương. Do đó, lúc đầu, “Thương nhân” có nghĩa là “Dân của nước Thương, của Triều đại Nhà Thương”.
Người Thương, tức là “Người Nước Thương”, đã phát triển văn hóa nông nghiệp, nghĩa là đã định cư và khai thác ruộng đất. Thế kỷ 11 trước Tây Lịch, họ bị người Chu là rợ du mục từ Thiểm Tây tràn vào, cướp nước và giết họ, nhiều đến nỗi “máu chảy thành suối làm trôi cả chày giã gạo”. Hơn nữa, vì người Chu là dân du mục, chỉ sống về chăn nuôi, không làm ruộng, không công nhận tư hữu tài sản về ruộng đất, nên thả dê, bò, phá hoại mùa màng của người Thương.
Người Thương phải chạy thoát thân. Nhiều nhóm chạy bằng thuyền sang Đài Loan, hoặc dọc theo ven biển, sang tới California và Guatemala. Người ta biết như vậy, vì các nhà khảo cổ đã tìm thấy ở bờ biển California và Guatemala những tảng đá hình tròn, to như bánh xe hơi, ở giữa có khoét lỗ tròn, mà người Thương dùng để neo thuyền. Vì ra đi tay không, người Thương phải kiếm sống bằng cách đi chợ nọ, chợ kia, buôn bán, kiếm chút tiền lời.
Vì vậy nên chữ “Thương nhân”, nguyên nghĩa là “người nước Thương”, về sau có nghĩa là “lái buôn”. Cũng như chữ Juif của tiếng Pháp, nguyên nghĩa là người Do Thái, sau này lại có nghĩa là “người bủn xỉn”, vì lẽ họ là những người mất nước, mất cơ nghiệp, phải di tản khắp nơi, nên phải ăn tiêu dè xẻn. Họ không xài lớn như nhiều người Việt tị nạn ở Mỹ, vì họ không quên “vong quốc hận”.
Trong khi đàn ông Thương phải ngược xuôi buôn bán, đàn bà con gái phải đi làm “gái bar”, ca hát ở mấy tiệm rượu, để kiếm thêm chút đỉnh góp vào quỹ gia đình, nuôi con cái. Về đời Đường, người Hán chưa có chủ trương cố tình “Hán hóa” các sắc tộc phi Hán, nên người Thương còn được coi là một sắc tộc riêng biệt, và chữ Thương nhân còn hiểu theo nguyên nghĩa: Người thuộc chủng tộc Ân, đã lập nên triều đại nhà Thương.
Đỗ Mục, tác giả bài Đường thi kể trên dùng chữ “Thương nữ” với nghĩa “Cô gái thuộc chủng tộc Thương”. Ông có ý chê mấy cô không nhớ nhục mất nước, và lòng hận thù người Chu, nỡ mang nhan sắc và giọng ca, hát, vào những bài ẻo lả như bài Hậu Đình Hoa để mua vui cho mấy chú Hán tộc, con cháu người Chu cướp nước. Có hiểu chữ “Thương” theo nguyên nghĩa mới hiểu tại sao Đỗ Mục lại chê mấy cô đã “quên vong quốc hận”.
Sau này, tự điển Tàu chỉ giảng Thương nhân là “lái buôn”, bỏ hẳn nghĩa “Thương nhân là người thuộc chủng tộc Thương”, vì người Hán muốn xóa nhòa cái tội đã cướp nước, và đã tàn sát người Thương. Chỉ vì tự điển Tàu bỏ hẳn nghĩa cũ, mà các thày đồ Ta đâm ra lúng túng.
Đọc xong mấy trang sách, tôi thẫn thờ vì từ trước đến giờ nhiều học giả, thi nhân Việt Nam vẫn đinh ninh rằng Thương nữ là con gái thương nhân, gái buôn, hoặc bạo dạn hơn là gái ca, đào hát. Ta hãy đọc lại mấy bản dịch của tiền nhân.
泊秦淮
煙籠寒水月籠沙,
夜泊秦淮近酒家。
商女不知亡國恨,
隔江猶唱後庭花。
Bản dịch của Trần Trọng San:
Khói trùm nước lạnh, trăng lồng cát,
Thuyền đậu Tần Hoài, cạnh tửu gia.
Cô gái không hay buồn nước mất,
Bên sông còn hát “Hậu đình hoa”.
Bản dịch của Trần Trọng Kim:
Khói lồng nước, bóng trăng lồng cát,
Bến Tần Hoài, thuyền sát tửu gia.
Gái ca đâu nghĩ nước nhà,
Cách sông vẫn hát khúc ca “Hậu đình”.
Bản dịch của Mộng Sơn:
Mây mặt nước, nguyệt đầu ghềnh,
Bến Tần vui chuốc chén quỳnh đêm thanh.
Gái “đêm” quên sóng khuynh thành
Bên sông hát khúc “Hậu đình hoa” chơi!
Bản dịch của Túc Mỡ:
Khói lan nước lạnh, cát trăng xoa
Đêm đậu bến Tần quán chẳng xa
Đào hát biết chăng sầu mất nước
Cách sông hát khúc “Hậu đình hoa”
Bản dịch của Hoàng Giáp Tôn:
Mặt nước lạnh khói loang, trăng tan trên cát,
Hận vong quốc biết gì, ca nhi còn hát!
Bến Tần Hoài, thuyền ta đỗ cạnh tửu gia,
Vẳng tự bên sông lại khúc “Hậu đình hoa”!
Tôi cũng có đem việc này trình bày cùng một người bạn tinh thông Hán văn. Sau khi tra cứu lại xem người Hoa giải thích thế nào thì anh thấy họ giải thích khác hẳn. “Thương nữ” chỉ có nghĩa đơn giản là “ca nữ” – thời buổi bây giờ mình gọi là ‘nữ ca sĩ.’ Họ không giải thích rộng thêm tại sao lại là ca nữ, anh võ đoán chữ “thương” tuy có 1 nghĩa là buôn bán nhưng cũng là 1 âm trong ngũ âm (cung, thương, giốc, chủy, vũ 宮, 商, 角, 徵, 羽) nên mới gọi là ca nữ chăng? Mà cũng có thể vì phải kiếm sống, các cô gái Thương phải làm “gái bar ca hát ở mấy tiệm rượu” nên Thương nữ được gán đặt là ‘ca nữ’.
Anh cho biết thêm rằng theo tài liệu của người Hoa, Hậu Đình Hoa thật ra đầy đủ là Ngọc Thụ Hậu Đình Hoa (NTHĐH) của Trần Hậu Chủ, tức là Trần Thúc Bảo (553-564), hoàng đế cuối cùng của Nam Triều. Ông ta sống trong nhung lụa, không màng việc nước, ngày tháng đắm chìm trong dục lạc và đã sáng tác bài NTHĐH để cùng các mỹ nữ hậu cung vui thú. Vui thú cho đến khi mất nước. Bài NTHĐH được người đời sau gọi là ‘diễm khúc’ tiêu biểu cho nhạc đồi trụy vong quốc. Đến đời Đường thời ông Đỗ Mục thế nước suy vi, nội ưu ngoại hoạn, chẳng ai lo việc nước, quân thần chìm đắm trong tửu sắc, phần nhiều lại quanh quẩn ở Tần Hoài, nơi ăn chơi nổi tiếng. Cảm thán cảnh đó ông Đỗ Mục mới làm bài Bạc Tần Hoài, không phải để chê bai mấy cô “chủng tộc Thương … không nhớ nhục mất nước”, mà ông mượn cô ca sĩ để chỉ trích các quan lại thối nát.
Một số học giả người Hoa cho rằng có những quan lại thời đó “chán đời” nên la cà các tửu gia để giải sầu và họ thường yêu cầu các ca nữ hát bài Hậu Đình Hoa. Có thể hiểu được đây là vấn đề tâm lý, như Việt Nam trước 1975 chúng ta cũng hay nghe những bản nhạc ‘vong quốc’ vì nó phản ảnh tâm trạng mất tự tin, không tương lai của quần chúng thời bấy giờ.
Để kết thúc bài này, chúng tôi xin mượn lời của giáo sư Nguyễn Ngọc Bích trong phần viết thay đề tựa cuốn sách trên:
Chúng ta có thể đồng ý, chúng ta có thể không đồng ý, nhưng có một điều chắc chắn là ở tác giả Hoàng Văn Chí không có vấn đề “tận tín thư”, không có vấn đề “giáo điều”.
“Tin hoàn toàn vào sách vở thì thà không có sách còn hơn”, Mạnh tử ngày xưa đã chẳng dạy rồi sao? Vì không “tận tín thư” nên ông Hoàng Văn Chí đòi xét lại tất cả, không chỉ một mình chủ thuyết Cộng sản, mà còn cả những sự thật mà nhiều người trong chúng ta đã coi là hiển nhiên và không còn thắc mắc nữa. Ông làm thế không phải để khuyến khích một tinh thần hoài nghi tất cả mà là để xây dựng trong ta một niềm tin có cơ sở hơn khi đã luận ra mọi nhẽ. Vậy đồng ý hay không với những điều ông trình bầy có lẽ còn không quan trọng bằng sự thảo luận với ông ở một trình độ khá sâu sắc.
Đăng nhận xét