Không thể kiềm chế đà tăng của giá xăng, có nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Khi công cụ bình ổn giá xăng dầu gặp khó khăn, không thể kiềm chế đà tăng của giá xăng, có nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Khi công cụ bình ổn giá xăng dầu gặp khó khăn, không thể kiềm chế đà tăng của giá xăng, có nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Thị trường xăng dầu thế giới thời gian qua có nhiều biến động. Giá xăng dầu tăng mạnh khi lực cầu tăng từ kinh tế các nước đang dần hồi phục sau dịch, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đang khôi phục trở lại. Bên cạnh đó, OPEC+ quyết định không gia tăng sản lượng khai thác so với kế hoạch... đã tác động lớn đến giá xăng dầu trong nước.

Liên tiếp trong những kì điều hành gần đây, liên Bộ Công Thương – Tài chính đều có thông báo điều chỉnh tăng giá xăng dầu. Chỉ tính trong 3 kì điều hành gần nhất, riêng giá xăng E5RON92 đã tăng tổng cộng gần 3.000 đồng/lít và giá dầu các loại cũng tăng không kém.

Trong bối cảnh công cụ bình ổn giá xăng dầu gặp khó khăn, không thể kiềm chế đà tăng của giá xăng, nhiều câu hỏi đặt ra có nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Đoàn giám sát của Quốc hội hồi năm 2019 kiến nghị bãi bỏ ngay hoặc có lộ trình rõ ràng bãi bỏ nhiều quỹ, trong đó có Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Quỹ được thành lập từ năm 2009, với số tiền trích lập hằng năm lên tới nhiều nghìn tỷ đồng nhưng người dân không ai biết số tiền đó được sử dụng như thế nào. Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) nhiều lần kiến nghị các bộ, ngành và Chính phủ xem xét lại việc sử dụng, duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Trong văn bản gửi Chính phủ hồi tháng 4/2019, VINPA cho rằng, việc trích lập Quỹ 300 đồng một lít theo quy định tại Nghị định 83 đang khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp phải chịu thiệt khi bị âm quỹ hàng trăm tỷ đồng. Hơn nữa, xét về bản chất, Quỹ Bình ổn xăng dầu hiện nay đang lấy tiền của chính người mua xăng dầu để “bình ổn” giá cho người mua xăng dầu. Nên người mua xăng dầu tuy có được mua xăng dầu bình ổn với giá không tăng nhưng là nhờ số tiền họ được ứng trước, chứ không nhờ sự can thiệp của bên thứ ba.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ BOG đã chi liên tục với mức chi từ 100-2.000 đồng/lít/kg. Do việc sử dụng công cụ Quỹ BOG, giá xăng dầu trong nước đã có mức biến động thấp hơn mức biến động của giá xăng dầu thế giới (giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở tăng từ 59,08% - 76,03% trong khi giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay chỉ tăng 40,23% - 52,59%).

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu đưa ra các biện pháp hợp lý để điều hành giá xăng dầu nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, nhất là khi các doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ phục hồi sản xuất. Cùng với đó, cần triển khai các gói hỗ trợ tài chính để bù đắp chi phí nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao cho doanh nghiệp và thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu của các thương nhân kinh doanh xăng dầu cũng như xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm ổn định thị trường.

“Thời gian qua, việc hỗ trợ giá xăng dầu từ Quỹ Bình ổn đã làm cho tốc độ tăng giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn 8% so với tốc độ tăng của giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên, nguồn Quỹ không phải là vô hạn và khi công cụ bình ổn tỏ ra kém hiệu quả, cần có ngay giải pháp hỗ trợ về giá xăng dầu cho các doanh nghiệp ngành vận tải, khai thác… bằng cách giúp họ có thể tiếp cận nguồn vốn vay để có thể quay vòng hoạt động kinh doanh, đặc biệt đối với những doanh nghiệp ở những địa bàn bị thiệt hại lớn do dịch vừa qua”, ông Thịnh đề xuất.

Với mục tiêu đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong điều hành thị trường xăng dầu, trước việc giá xăng dầu trong nước tăng cao, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài các công cụ bình ổn giá cơ quan điều hành cần xem xét giảm thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu nhằm làm hạ nhiệt mặt hàng này trong ngắn hạn. Về lâu dài, cần các giải pháp hỗ trợ về tài chính, giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí đầu vào, sớm khôi phục sản xuất.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, nếu trong lúc này thực hiện giảm thuế, phí đối với xăng, dầu sẽ khiến nguồn thu của nhà nước bị hạn chế, thiếu nguồn lực để hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19. Mặt khác, nếu giá xăng dầu trong nước giảm thấp so với thị trường thế giới và khu vực, tạo nên bất ổn về thị trường vì sẽ có sự thẩm thấu, buôn lậu và gian lận thương mại. Cùng với đó, giá xăng dầu ở mức thấp sẽ không khuyến khích người dân và doanh nghiệp trong tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn