Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, thời gian điều hành giá xăng dầu tăng lên 3 lần một tháng (ngày 1, ngày 11 và 21 hằng tháng), mỗi kỳ điều chỉnh giá cách nhau 10 ngày.
Nghị định nêu rõ: Các kỳ điều hành trùng ngày nghỉ, ngày lễ thì thời gian điều chỉnh giá lùi sang ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.
Nếu giá các mặt hàng xăng dầu biến động bất thường, ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế xã hội, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định thời gian điều chỉnh.
Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở tăng trên 10% so với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc giá biến động ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng sẽ quyết định biện pháp điều hành trên cơ sở báo cáo của Bộ Công Thương.
Hiện nay, theo Nghị định 83/2014 thì thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá.
Nghị định 95/2021/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 2/1/2022.
Từ đầu năm 2021 đến nay, giá xăng dầu được điều chỉnh 19 lần, trong đó xu hướng chủ đạo là tăng, hiện xăng RON 95 đã cán mức 24.338 đồng/lít, dầu diesel 18.716 đồng/lít, đây là những mức giá cao nhất từ trước tới giờ, lại rơi vào thời điểm doanh nghiệp và người dân đang gượng dậy sau nhiều tháng oằn mình bởi Covid-19. Chịu tác động nặng nề nhất là lĩnh vực vận tải, vì tiền xăng dầu luôn chiếm đến 40% trong kết cấu giá dịch vụ của ngành này.
Ngoài yếu tố khách quan do giá xăng dầu thế giới tăng, từ chủ quan tác động các loại thuế, phí đang áp trên mỗi lít xăng đẩy giá nhiên liệu này đi lên.
Hiện nay, một lít xăng chịu nhiều loại thuế. Cụ thể, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng.
Ngoài ra, còn có một số khoản không phải là thuế, nhưng cũng được đưa vào làm cơ sở để tính giá xăng dầu như chi phí định mức, lợi nhuận định mức, Quỹ bình ổn giá (trong đó mức trích Quỹ bình ổn giá là linh hoạt hơn).
Cụ thể, cơ cấu giá xăng được cộng 8 khoản, gồm: giá CIF tính thuế (giá xăng nhập + chi phí vận chuyển), thuế nhập khẩu (10%), thuế giá trị gia tăng (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95 và 8% với xăng E5), thuế bảo vệ môi trường (3.800 đồng với E5, 4.000 đồng với RON 95).
Ngoài ra, còn có chi phí định mức kinh doanh (1.050 đồng/lít với xăng RON95 và 1.250 đồng/lít với xăng E5), lợi nhuận định mức (300 đồng) và trích quỹ bình ổn (300 đồng, nhưng biến động theo thực tế mỗi kỳ điều hành).
Đăng nhận xét