Biến thể bí ẩn Omicron 'vượt mặt' Delta: Cuộc chiến chống Covid-19 còn xa mới kết thúc

Sự xuất hiện của biến thể bí ẩn Omicron

Trong văn phòng của mình ngày 23/11, Tulio de Oliveira, giám đốc Trung tâm Sáng kiến và Phản ứng Dịch tễ Nam Phi đã tiết lộ cho đồng nghiệp của ông một bí mật.

"Có điều gì đó đang diễn ra. Họ đã phát hiện ra một biến thể mà chúng tôi chưa từng thấy trước đó", ông Tulio nói với Alex Sigal - một nhà virus học ở Nam Phi.

 Ảnh minh họa: CNN

 Ảnh minh họa: CNN

Chỉ trong vài ngày, số ca mắc Covid-19 ở Nam Phi đã tăng nhanh chóng. Trong quá trình xem xét lại các mẫu xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, các nhà khoa học đã phát hiện ra một yếu tố bị bỏ qua trong protein gai của virus, cho thấy virus đã có sự thay đổi nào đó. Các nhà khoa học sau đó đã giải trình tự gen của virus và phát hiện ra hơn 50 đột biến so với chủng virus ban đầu,

Ngày 25/11, giáo sư Oliveira đã thông tin tới Tổng thống Nam Phi rằng: Một biến thể mới với những đặc điểm đáng lo ngại đã khiến số ca mắc gia tăng ở quốc gia này. Cùng ngày, Bộ Y tế Nam Phi và các nhà khoa học cũng công bố về phát hiện trên.

Một ngày sau, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên cho biến thể mới là Omicron, đồng thời tuyên bố đây là biến thể đáng lo ngại. Chưa từng có biến thể nào khiến WHO đưa ra tuyên bố này nhanh chóng như vậy.

Cho tới nay, nguồn gốc và khả năng của biến thể Omicron vẫn là một bí ẩn trong khi các nhà khoa học đang chạy đua với thời gian để tìm hiểu về nó. Có một đặc điểm đặc biệt đáng lo ngại là Omicron có 32 điều chỉnh ở 1 bộ phận của virus mà đa số các loại vaccine Covid-19 đang nhắm tới - đó là protein gai - công cụ virus sử dụng để xâm nhập vào tế bào con người.

Giai đoạn tiếp theo của đại dịch Covid-19 hiện đang phụ thuộc vào 32 đột biến này và thế giới sẽ cần một vài tuần để xác định chắc chắn về việc này. WHO cho biết, các dữ liệu sơ bộ cho thấy Omicron có những lợi thế lớn hơn so với các biến thể hiện tại. Điều này có thể thấy rõ qua sự gia tăng số ca mắc ở Nam Phi. Một số đột biến ở biến thể này có liên hệ với việc tỷ lệ lây nhiễm gia tăng.

Thay đổi bất thường, nguy hiểm hơn Delta

Sự xuất hiện của các đột biến hiện tại có thể đồng nghĩa với việc Omicron có khả năng lớn hơn để thoát khỏi hệ miễn dịch của cơ thể, trong đó bao gồm cả hệ miễn dịch được hình thành sau khi tiêm vaccine. Một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở Anh trước khi biến thể Omicron được phát hiện cho thấy virus SARS-CoV-2 xuất hiện hàng loạt đột biến khiến các kháng thể ít hiệu quả hơn. Biến thể Omicron có một số đột biến này và một số đột biến không quen thuộc khác. Việc hiểu về mức độ kháng kháng thể sẽ cần thời gian nghiên cứu thêm.

"Điều vô cùng đáng lo ngại là sự tích tụ của quá nhiều đột biến. Một điều đáng lo ngại khác là sự chồng lấn giữa các đột biến mà chúng ta xác định được trong hệ thống", Theodora Hatziioannou, một nhà virus học tại Đại học Rockefeller đánh giá.

Bác sĩ Signal làm việc tại phòng thí nghiệm an ninh cao tại thành phố Durban ở Nam Phi là một trong hàng trăm nhà khoa học trên toàn cầu đang nghiên cứu biến thể Omicron để xem liệu chúng ảnh hưởng như thế nào đến các mẫu máu từ những người đã tiêm vaccine và hồi phục sau khi mắc Covid-19.

Hiện còn quá sớm để khẳng định liệu Omicron có khiến người mắc bệnh có những triệu chứng nghiêm trọng hơn hay không. Các bệnh nhân hiện mắc virus này sẽ cần vài ngày hoặc vài tuần để xem tình trạng bệnh của họ diễn biến như thế nào.

BioNTech, Pfizer và Moderna cho biết họ đã sẵn sàng điều chỉnh các loại vaccine hiện tại để đối phó với biến thể mới nếu cần thiết.

Theo các nhà khoa học, biến thể Omicron đã tiến hóa từ một biến thể trước đó và hiện gần như biến mất, được biết tới B.1.1. Nó có thể đã dành nhiều tháng trú ngụ trong một bệnh nhân có hệ miễn dịch suy giảm - có lẽ là một bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS - để dần đạt được những lợi thế tiến hóa.

Ngày 11/11, những mẫu bệnh phẩm của người nhiễm biến thể Omicron đầu tiên được phát hiện: một trường hợp ở tỉnh Gauteng của Nam Phi và 4 trường hợp khác là những thành viên trong một nhóm các nhà ngoại giao nước ngoài tới thăm Botswana.

Cùng ngày, một người đàn ông 32 tuổi đã rời Nam Phi tới Hong Kong (Trung Quốc) – đặc khu với những quy định cách ly nghiêm ngặt nhất thế giới. Ngày 13/11, trong khi đang ở một khách sạn cách ly, người này đã được xét nghiệm và được xác định là một trong những ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên.

5 ngày sau, một người đàn ông 62 tuổi ở trong một căn phòng dọc hành lang với phòng của bệnh nhân trên cũng dương tính với virus SARS-CoV-2. Người này cũng nhiễm biến thể Omicron và bộ gen của 2 mẫu bệnh phẩm có liên hệ chặt chẽ với nhau đến mức có thể khẳng định, một người đã nhiễm virus từ người kia, Yuen Kwok-yung, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hong Kong cho hay.

Tuy nhiên, camera an ninh cho thấy 2 người đàn ông này chưa từng gặp gỡ, cũng như không mở cửa cùng lúc và không chia sẻ chung đồ đạc, đồng thời chỉ tiếp xúc với nhân viên khách sạn trong trang phục bảo hộ, giáo sư Yuen cho biết. Theo chuyên gia này, nhiều khả năng, không khí từ một phòng đã thông ra ngoài khi mở cửa và người kia đã hít phải.

Kết luận của ông Yuen, người từng giám sát một số trường hợp nghi nhiễm khác liên quan đến việc lây nhiễm trong khách sạn cách ly ở Hong Kong, đã cho thấy biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao, thậm chí cao hơn cả biến thể Delta.

Trở lại Nam Phi, các nhà chức trách phát hiện ra rằng tốc độ lây nhiễm ở tỉnh Gauteng đã tăng lên. Ngày 11/11 - ngày ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên được xác nhận ở Nam Phi, 120 ca mắc mới đã được ghi nhận ở Gauteng. Đây là số ca mắc ở mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch. Tuy nhiên, ngày 28/11, số ca mắc mới hàng ngày ở tỉnh này đã tăng lên 2.308. Xét nghiệm PCR được sử dụng trên những trường hợp mắc bệnh cho thấy sự bất thường trong gần như tất cả ca mắc này: Dấu hiệu của gen-S từng hiện diện ở biến thể Delta vốn chiếm ưu thế đã biến mất.

Hàng chục nghìn người ở Nam Phi có thể đã nhiễm biến thể mới trong những tuần qua, giáo sư Oliveira dự đoán.

Jinal Bhiman - một nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm quốc gia ở Johannesburg cho biết, một phân tích ban đầu về số ca mắc ở tỉnh Gauteng đã cho thấy sự gia tăng bất thường số trường hợp mắc bệnh.

Nguy cơ tái nhiễm

Bà Jinal Bhiman cũng cho rằng, những diễn biến trên, dù vẫn chưa chắc chắn, đã cho thấy những người mới phục hồi gần đây có nguy cơ tái nhiễm Covid-19.

“Đó là lý do tại sao WHO lại xem xét nghiêm túc về biến thể này như vậy".

Sau khi WHO tuyên bố Omicron là biến thể đáng lo ngại, các nước châu Âu đã đóng cửa biên giới với hành khách từ nhiều nước châu Phi. Một người phụ nữ chưa tiêm vaccine rời Ai Cập qua Thổ Nhĩ Kỳ đã mang theo biến thể này vào Bỉ và 2 hành khách ở Cape Town đã mang biến thể mới vào Munich. Một thời gian sau, ngày càng nhiều ca mắc mới được ghi nhận. 13 hành khách trên 2 chuyến bay KLM đến Amsterdam từ Nam Phi cũng đã nhiễm biến thể Omicron.

Những bằng chứng đáng kể đầu tiên về ảnh hưởng của biến thể Omicron với cơ thể con người thể hiện ở việc biến thể này đang lây lan rộng khắp ở tỉnh Gauteng của Nam Phi. Sự lây lan của nó sẽ là phép thử cho một quốc gia mà hầu hết người dân chưa tiêm vaccine và chứng kiến số ca mắc ở mức thấp nhất kể từ đầu đại dịch. Chỉ 1/4 trong số 60 triệu người Nam Phi được tiêm vaccine đầy đủ.

Tại châu Âu, nơi 67% dân số được tiêm vaccine sẽ trải qua một phép thử khác. Ở đây, biến thể Omicron đang xuất hiện ngay giữa làn sóng lây nhiễm của biến thể Delta và có thể một cuộc chiến giữa 2 biến thể đang diễn ra.

"Việc cho rằng virus hoàn toàn được kiểm soát bởi vaccine là một điều bất khả thi. Tuy nhiên, các biến thể sẽ không khiến đại dịch tiếp diễn mãi mãi. Đây là cuộc đua để khiến nhiều người được tiêm vaccine hơn và làm giảm số ca tử vong", Jeremy Kamil - nhà virus học tại Đại học Y Shreveport, bang Louisiana đánh giá./.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn